Hoá giải những tiết học khô khan

Thứ năm - 29/12/2011 15:57
Qua bao năm đứng trên bục giảng, thầy luôn tìm tòi sáng tạo để “làm mới” những tiết dạy của mình, nhằm đem đến sự hứng thú cho học sinh trong mỗi tiết học. Những phương pháp của thầy đang được nhân rộng trong toàn quận Gò Vấp, TP.HCM.
Thầy Trương Thế Tạo“Hút” học sinh bằng những phương pháp lạ
 
Nếu ai đó trong một lần được dự giờ tiết học của thầy Trương Thế Tạo - giáo viên môn Âm nhạc trường THCS Nguyễn Trãi (Gò Vấp) sẽ không khỏi ngạc nhiên, thú vị bởi không khí lớp học thực sự sôi động như buổi giao lưu “học mà chơi, chơi mà học” giữa thầy và trò mà vẫn bám nội dung chương trình. Thậm chí, học sinh còn hứng thú với tiết học hơn, đạt hiệu quả cao hơn.

Khi đến lớp học, điều đầu tiên để tạo không khí sôi động, thầy Tạo cho học sinh ngồi đối diện nhau từng cặp, vừa hát vừa vỗ tay theo phách, cuối câu học sinh vỗ vào tay nhau. Thầy ‘kéo’ học sinh thành từng nhóm, mở đĩa cho nghe một đoạn bài hát hoặc bài tập đọc nhạc. Rồi thầy hỏi: “Học sinh nghe và đoán nhanh là bài hát nào? Hoặc bài tập đọc nhạc nào? Đội nào thể hiện bài hát hoặc bài tập đọc nhạc vừa đoán?”.

Lần khác, thầy Tạo lại ‘lôi’ học sinh vào một trò chơi khác, trò chơi “nghe thấu đoán tài”: 3 bài hát được thầy bật lên, học sinh có nhiệm vụ nghe và đoán tên một trong 3 bài hát, khi thầy chuyển tiếp bài hát bằng một nốt nhạc, cứ cuối câu học sinh làm một cử điệu như lắc mông, nhún chân, gật đầu, …sau đó thầy cho học sinh ôn chung cả lớp và ghép lời ca. Rồi thầy cho từng nhóm, tổ, cá nhân thi đua…

Đó chỉ là một trong các trò chơi được thầy Tạo dày công sáng tạo lồng ghép vào mỗi tiết học, với tên gọi “dạy học âm nhạc kết hợp với trò chơi” sao cho phù hợp nhưng mang lại hiệu quả tích cực cho học sinh. “Nếu biết cách sáng tạo để mỗi tiết học là một trò chơi vui vẻ đối với học sinh thì bài học sẽ dễ tiếp thu và lắng lại sâu hơn trong tâm trí các em” - thầy Tạo chia sẻ.

Theo thầy Tạo, giáo cụ trực quan luôn là “bửu bối” của người thầy và không bao giờ cũ. Đưa trò chơi, tình huống vào bài giảng giúp học sinh vui vẻ và chủ động tranh luận để tìm ra nội dung bài học. Học sinh không phải ghi chép nhiều, cũng không phải thuộc lòng bài học, nhưng những khái niệm, định nghĩa được cụ thể hoá qua các hình ảnh và hoạt động trực quan sẽ giúp các em dễ hình dung và ghi nhớ lâu hơn.
Hướng dẫn cho HS những nốt nhạc cơ bản

Nghề giáo như duyên tiền định

Như “duyên tiền định”, thầy Trương Thế Tạo đến với nghề “gõ đầu trẻ” không chính qui, bài bản như những người thầy khác. Nhưng đến bây giờ, sau 16 năm đứng trên bục giảng, thầy thấy mình thật may mắn và hạnh phúc với “bước sang ngang” này. Bởi nghề giáo đã “cho” thầy được nhiều hơn mất. Vốn từ nhỏ, cậu học trò Trương Thế Tạo luôn khao khát được làm kỹ sư Hóa, nhưng vì điều kiện đành “rẽ ngang” và trở thành giáo viên.

Từ đó đến nay, thầy vẫn “nặng lòng” với những đứa học trò của mình như một cái duyên với nghề. Trở về từ chiến trường Campuchia, anh thanh niên tên Tạo không biết phải làm gì để sống. Trong lúc loay hoay anh tận dụng “vốn tự có” về âm nhạc từ khi còn là học sinh phổ thông để học lên tại các trung tâm, sau đó đi dạy nhạc thuê để mưu sinh.

Năm 1995, được một người bạn giới thiệu, anh đến xin làm giáo viên bộ môn âm nhạc tại trường TH Kim Đồng (Gò Vấp). “Lúc được hiệu trưởng phỏng vấn (bây giờ là Trưởng phòng giáo dục Gò Vấp - PV), tôi cũng sợ vì từ trước chỉ toàn dạy cho người lớn, chứ chưa dạy cho trẻ nhỏ khi nào nên cũng run. Nhưng sau khi thử việc một tháng, tôi đã nhận được sự ủng hộ của giáo viên trong trường” - thầy Tạo nhớ lại. Hằng ngày, thầy thức dậy sớm đạp xe đến với ngôi trường Kim Đồng thân yêu. Kết thúc giờ học, đạp xe về đến nhà, người thầy ướt sũng mồ hôi.

Rồi ngày qua ngày, thầy vẫn đều đặn “truyền cảm hứng” cho những HS bằng nốt nhạc, bài hát nhẹ nhàng thấm đẫm nhân văn. Được sự động viên của nhà trường, thầy giáo “tay ngang” thi đậu vào Nhạc viện TP.HCM và CĐ Văn hóa nghệ thuật. Thế nhưng do những khó khăn về cuộc sống thường nhật, thầy quyết định học trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và tốt nghiệp Khoa Sư phạm âm nhạc vào năm 2003.

Nhu cầu giáo viên âm nhạc lúc đó còn thiếu, nên thầy được thuyên chuyển về trường THCS Nguyễn Du, rồi trường THCS Nguyễn Văn Trỗi và cuối cùng là trường THCS Nguyễn Trãi từ năm nay. Trải qua 16 năm trong nghề, đã có những lúc thầy Tạo định chia tay nghề giáo để tìm một “bến đỗ mới”, nhưng cứ nghĩ đến những ánh mắt thân thương của trò, niềm háo hức của những gương mặt trẻ thơ khi thầy lên lớp, thầy không nỡ. “Mối lương duyên” với phấn trắng bảng đen vẫn mãi hiện hữu với thầy qua nhiều mái đầu xanh. Và dù là ở trường nào, thế hệ học sinh nào, thầy cũng đều trăn trở làm sao để có được những tiết học mới lạ, thu hút học sinh.

Không chỉ biết có dạy, nghiên cứu đổi mới phương pháp, thầy còn là “bạn” của nhiều học sinh, khi luôn động viên chia sẻ với những em khó khăn. Chính vì thế, thầy không chỉ được nhiều đồng nghiệp biết đến thầy, mà còn “nổi tiếng” trong trường với những giờ lên lớp khác lạ, đem lại sự hứng thú trong học tập cho học trò mình. Mười sáu năm không ngừng phấn đấu, sáng tạo phương pháp giảng dạy, thầy đã vinh dự nhận được các giải thưởng cao nhất cấp thành phố, quận trong sáng tạo đồ dùng dạy học.

Đặc biệt từ năm 1977 đến nay, thầy luôn đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp thành phố. Niềm vui lớn nhất của thầy giáo Trương Thế Tạo - lúc này là được “sát cánh” cùng những “đứa con” trong tập thể lớp 6, lớp 8, được lắng nghe những điều học trò mình nói.

 
 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây