Thưởng Tết giáo viên: Những điều khó nói!

Thứ tư - 11/01/2012 10:26
Một cái Tết lại sắp đến nhưng đối với giáo viên khái niệm “thưởng” dường như chỉ quen thuộc đối với các trường ở thành phố lớn còn ở vùng nông thôn, vùng cao thì quá xa lạ.
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết nguyên đán Nhâm Thìn, hầu hết các trường đã quyết toán ngân sách chi tiêu năm 2011 xem còn kết dư hay không để cân đối thưởng tết cho giáo viên (GV). Tuy nhiên với việc tiền ngân sách dành 75% chi cho lương, thâm chí là ở các vùng cao, vùng khó thì con số này lên đến trên 80% nên chuyện còn kết dư cuối năm là điều không dễ dàng. Chưa nói đến vùng cao, ngay ở thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM…, nhiều trường thừa nhận tiền ngân sách được cấp rất chi ly. Chính vì thế, quản lý giỏi thì may mắn dư ra chút ít nhưng chẳng đáng là bao.

Thành phố: Cao, thấp phụ thuộc vào người “cầm lái”

Ở Hà Nội vào thời điểm này nhiều trường đã lên phương án thưởng tết cho GV tuy nhiên mức bao nhiêu thì Ban giám hiệu vẫn chưa tiết lộ. Cô Nguyện Thị Vân Anh - hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Diệu chia sẻ: “Chúng tôi đang cố gắng cân đối để có thể thưởng Tết cho GV, hi vọng năm nay các thầy cô sẽ được mức khá hơn năm trước”.
 
Được biết, năm 2011, mức thưởng Tết của Trường tiểu học Hoàng Diệu dành cho GV dao động từ 2-5 triệu đồng, phụ thuộc vào thâm niên công tác, thành tích giảng dạy…

Cũng là một trường tiểu học nhưng cô P.T.Y (chúng tôi không tiện nói tên vì GV yêu cầu - PV) - hiệu trưởng Trường T.C (Quận Đống Đa) lại có thông tin đáng mừng dành cho tập thể GV: “Năm nay do trượt giá nên chắc chắn mức thưởng dành cho thầy cô sẽ cao hơn năm trước. Chúng tôi đã cân đối thì ngoài được hưởng thêm tháng lương thứ 13 GV còn có thêm một mức thưởng nữa”. Sau nhiều lần "gạ hỏi" của PV, cô P.T.Y mới tiết lộ: “Bình quân mỗi GV năm nay được thưởng khoảng 5-6 triệu đồng”.

Đó là các trường công lập, còn trường tư thì lại có những hình thức khác nhau để thưởng cho GV. Tuy nhiên với tính đặc thù là phải đi thuê cơ sở vật chất, trả lương cho GV… nên mức thưởng cũng chỉ dừng lại ở con số hết sức khiêm tốn.

Thông tin từ Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết, năm nay trường sẽ cố gắng duy trì để thưởng cho GV tháng 13. Còn ở Trường THPT Lương Thế Vinh, mức thưởng chỉ dao động từ mức 500-700.000 đồng.
 

Giải thích về chỉ thưởng ở mức khiêm tốn, GS Văn Như Cương tâm sự: “Trường học không phải là nơi để kinh doanh nên chúng tôi làm gì có thêm nguồn thu để có thể thưởng lớn như doanh nghiệp. Mọi hoạt động đều phải cân đối để có thể dành ra một khoản cuối năm. Trường tôi chỉ thưởng tết cho GV mang tính chất tượng trưng còn chủ yếu là trả thù lao cho 1 tiết dạy xứng đáng”. GS Cương cũng cho biết, năm học 2010-2011 mức thù lao cho 1 tiết dạy của trường là 85.000 đồng thì năm học 2011-2012 đã nâng lên mức 95.000 đồng.

Cũng là một thành phố nhưng thu nhập người dân còn thấp nên GV Nam Định gần như là không bao giờ có thưởng Tết. Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định thì việc GV có được thưởng Tết hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc chi tiêu của các trường. Đơn vị nào có kết dư lớn thì GV được thưởng ở mức cao hơn. Tuy nhiên ông Tuấn cũng cho biết, nhiều năm nay các trường dù tằn tiệm nhưng cuối năm cũng chỉ thưởng cho GV một khoảng rất nhỏ, gọi là tượng trưng. Cụ thể ở cấp học mầm non, tiểu học, THCS thì được khoảng 50.000 đồng, còn ở cấp THPT do có nguồn thu hơn nên GV được khoảng 100-200.000 đồng.

Giải thích về hiện tượng trường công có nơi thưởng thấp, có nơi thưởng cao, cô P.T.Y cho biết: “Nếu nói chi tiêu hợp lý đề tiền ngân sách còn kết dư lớn thì không bao giờ thực hiện được. Sở dĩ các trường có thể thưởng cho GV ở mức cao là do cách điều hành cũng như khả năng ngoại giao của Ban giám hiệu để có thể hút các mạnh thường quân, hay các doanh nghiệp… quan tâm đến nhà trường nhiều hơn”.

Một điều lý thú mà chúng tôi khám phá ra được khi đi tìm hiểu về câu chuyện thưởng Tết cho GV đó là phần lớn các trường năng động, chăm lo đời sống GV tốt đều là các đơn vị mà hiệu trưởng là người có hậu thuẫn phía gia đình rất vững chắc. Họ không phải lo lắng về cuộc sống, cũng như mức lương của mình mà chỉ chú tâm vào mỗi việc phát triển ngôi trường và chăm lo đời sống cho GV.

Vùng cao: Ngậm ngùi!

Trong khi ở các thành phố thì dù sao cũng có thưởng ít, thưởng nhiều thì ở vùng cao, vùng khó lại hoàn toàn trái ngược. Nhiều năm nay chuyện không tiền thưởng, không quà cáp… thậm chí GV còn phải dùng tiền lương để hỗ trợ HS, bà còn lối xóm là điều xảy ra như “cơm bữa”.

Khi được tôi hỏi tết năm nay liệu thầy cô được quà cáp, thưởng Tết gì không, thầy Cường - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Lâm (Huyện Mường Nhé, Điện Biên) chia sẻ: “Làm gì có anh ơi, mọi năm bà con còn sung túc nên thầy cô đỡ phải hỗ trợ cho HS, năm nay điều kiện kinh tế khó khăn nên GV vất vả hơn nhiều”.

Năm trước, Trường THCS Bản Lang (huyện Phong Thổ, Lai Châu) thưởng Tết GV bằng hình thức cho nhận “lương trước” một tháng và sau khi ăn Tết xong thì GV lại chắt bóp để chờ đợi đến đợt lương tới. Tuy nhiên năm nay mọi việc lại không được suôn sẻ như vậy. Thầy Đồng Xuân Lợi cho biết: “Đến thời điểm này vẫn chưa thế quyết toán được, tiền ngân sách thì cũng đã cạn kiệt. Phải đợt ngân sách 2012 rót về thì chúng tôi mới có thế thực hiện được như năm trước. Còn bây giờ thì chưa nói được điều gì”.

Một GV ở Sơn La khi được chúng tôi hỏi về thường Tết chỉ biết xót xa trả lời: “Thấy các thông tin các doanh nghiệp thưởng Tết, nghĩ mà thấy tủi. Lương cả đời của một GV như chúng tôi không bằng một lần thưởng Tết của một doanh nghiệp”.
 
Trường lớp vẫn còn đơn sơ "nghèo nàn" như thế này nên câu chuyện thưởng tết GV vùng cao dường như rất xa lạ.

Thâm chí có GV còn “đùa tếu” với tôi: “Trên này còn nhiều khó khăn lắm, làm gì có chuyện thưởng Tết đâu anh. Nếu có doanh nghiệp nào quan tâm đến đời sống GV thì nhà báo giới thiệu lên trường chúng em nhé”

Lời “đùa tếu” của GV làm tôi nhớ lại buổi trò chuyện với nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long. Thầy Long từng chia sẻ: “Hàng năm các doanh nghiệp làm công tác từ tiện rất nhiều, nếu chúng ta huy động được sự hưởng ứng của họ thì chắc GV cả nước sẽ có thưởng Tết dù ít, dù nhiều”.

Ý tưởng này không phải là điều khó thực hiện nhưng theo GS Văn Như Cương thì không nên làm điều đó một chút nào. “GV chúng tôi dù nghèo nhưng vẫn có thể sắm một cái tết có thể là rất giản dị. Chúng tôi không muốn xin ai, và việc kêu gọi ủng hộ Tết cho GV sẽ làm tổn thưởng thầy cô, nó giống như là một sự xúc phạm” - GS Cương phân tích.

Điệp khúc thưởng Tết GV năm nào cũng được nhắc đến nhưng hiệu quả thì chưa thấy đâu. Có lẽ đến lúc xã hội cần phải có những động thái tích cực hơn, cần phải có cái nhìn trách nhiệm hơn đối với đội ngũ nhà giáo - những con người góp phần nuôi dưỡng mầm non, nhân tài và nguồn nhân lực cho đất nước. Họ không cần những mức thưởng “khủng” mà chỉ khát khao được xã hội quan tâm biết đến mỗi khi Tết đến xuân về.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hùng

Nguồn tin: Báo điện tử Dân Trí

 Từ khóa: tết, giáo viên, khó nói

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây