Những tấm gương của nghị lực và khát vọng

Chủ nhật - 08/01/2012 23:44
250 cảnh ngộ làm lay động trái tim, 250 tấm gương về nghị lực và ý chí trong hành trình đến giảng đường ĐH với ước mơ tri thức và thay đổi cuộc sống – nhiều giọt nước mắt đã rơi, nhiều cảm xúc vui, buồn, xúc động tại buổi lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên 7 tỉnh biên giới phía Bắc và các trường ĐH, CĐ tại Hà Nội.

Mỗi tân sinh viên được lựa chọn để trao học bổng là một câu chuyện về nghị lực vượt khó. Nhiều bạn vẫn phải học trong ánh đèn dầu leo lét, có bạn hàng ngày phải đi bộ băng qua núi đến trường, không ít bạn mồi côi vả cha lẫn mẹ, phải tự mưu sinh để trang trải chi phí học tập nhưng vẫn đậu ĐH và đậu với số điểm rất cao…

Như sinh viên Nguyễn Thị Nga (Học viện Báo chí tuyên truyền), do hoàn cảnh khó khăn, từ năm 1999, gia đình em phải chuyển vào Đăk Lăk sinh sống. Năm 2007, bố mẹ và cả 2 em gái của em bị lũ cuốn trôi không tìm thấy thi thể, em là người duy nhất trong gia đình sống sót. Chuyển về quê sinh sống với bà ngoại ngoài 80 tuổi già yếu, cuộc sống vô vàn khó khăn, nhưng Nga vẫn cố gắng học tập rồi đậu vào Học viện báo chí tuyên truyền với 18,5 điểm.

Nguyễn Đình Học (Ninh Bình) bản thân mắc bệnh hiểm nghèo, hỏng mắt phải, gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng vẫn thi đậu ĐH Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: gdtd.vn
Nguyễn Đình Học (Ninh Bình) bản thân mắc bệnh hiểm nghèo, hỏng mắt phải, gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn, thi đậu ĐH Bách Khoa Hà Nội. Ảnh: gdtd.vn

Hoặc như Hoàng Thị Liên, bố mất sớm, mẹ đau ốm nhưng vẫn cố gắng làm ruộng, làm thuê để nuôi 5 chị em gái ăn học. Chị thứ 2 của em lại bị bệnh động kinh phải dùng thuốc cả đời. Em tâm sự, do hoàn cảnh quá khó khăn mà em gái út của em được đi học năng khiếu nhưng cả 2 lần đều phải bỏ dở về quê vì thiếu tiền nộp học. Bản thân Liên vừa đi học vừa phải đi làm để phụ giúp gia đình. Năm nay, Liên đã đỗ một lúc cả hai trường ĐH là ĐH Thương mại và ĐH Y Tế công cộng nhưng em có nguy cơ phải bỏ học vì không thể có tiền trang trải.

Hoàng Yến (đỗ ĐH Thủy Lợi) thì mất bố do bệnh ung thư từ năm 2007, nay mẹ em lại cũng thường xuyên phải điều trị tại viện K. Hiện Yến còn 3 chị gái hoặc vẫn đang đi học, hoặc chưa tìm được việc làm. Hoàn cảnh của em đặc biệt khó khăn.

Bùi Văn Duân (ĐH Nông nghiệp Hà Nội), bố mất từ nhỏ, mẹ mất khi em đang học cấp 2. Cả 3 anh em giờ phải sống nhờ vào bác. Đỗ ĐH Nông nghiệp nhưng khả năng có thể bước vào cổng trường ĐH của em thực vô cùng gian khó.

fdfdfd
Dương Thị Ngà tại lễ trao học bổng. Ảnh: gdtd.vn

Bùi Thị Phương cũng có hoàn cảnh éo le không kém. Bố mẹ em chia tay nhau khi vừa kết hôn được 2 tháng, sau đó, bố em đi lấy vợ hai và mất khi em được 3 tuổi. Từ đó, hai mẹ con Phương về sống với bà ngoại. Mẹ Phương do bị bệnh khớp hành hạ, làm ruộng không đủ tiền nuôi con nên gửi con cho bà ngoại và vào Đăk Lăk làm thuê. Do hoàn cảnh, Phương nhiều lần mất niềm tin vào cuộc sống, nhiều lần định bỏ học, nhưng do sự động viên của gia đình, ý chí của bản thân, Phương vẫn hàng ngày làm thuê lấy tiền đi học rồi đỗ vào ĐHQGHN với 20 điểm.

Nông Thị Bưởi sinh ra và lớn lên tại thôn Nà Pàng – Cần Yên – Thông Nông – Cao Bằng. Em mồ côi cha từ nhỏ, đến khi đi học THCS thì mẹ qua đời. Anh trai em bị bệnh tâm thần, suốt ngày đập phá nhà cửa, đốt hết mọi dụng cụ trong nhà nên tài sản gia đình không còn gì. Anh cả của Bưởi phải thôi học để làm thuê kiếm sống và nuôi em ăn học. Thi đỗ vào ĐH Thái Nguyên, nhưng để có thể đến trường thực hiện ước mơ giảng đường, Bưởi thực sự cần rất nhiều sự giúp đỡ.

Dương Thị Ngà sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em. Bố mẹ đều làm ruộng. Với thu nhập quá ít ỏi, lo cho cuộc sống của 6 người đã là rất khó khăn nên anh trai Ngà phải nghỉ học để làm thuê kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Em đậu ĐH là niềm vui lớn của gia đình nhưng cũng là nỗi lo canh cánh vì bố mẹ không đủ khả năng cho em nhập học.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại lễ trao học bổng
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường". Ảnh: gdtd.vn

Xúc động trước những tấm gương vượt khó, tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga bày tỏ niềm mong mỏi ngành Giáo dục sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để học bổng “Tiếp sức đến trường” cũng như những học bổng khác có nguồn lực mới, giúp đỡ được nhiều hơn nữa cho các HSSV nghèo.

Số tiền học bổng 5 triệu đồng được trao từ học bổng “Tiếp sức đến trường” dù không đủ trang trải cho những năm tháng học tập, nhưng theo thứ trưởng Bùi Văn Ga, đó là sự động viên lớn lao cho các em trong những ngày đầu gian khó.

Thứ trưởng mong rằng, các em sau khi được nhận học bổng này sẽ tiếp tục nỗ lực, vượt khó vươn lên trong học tập, trở thành những con người có nghị lực, để chính các em, sau này lại sẽ trở thành những nhà tài trợ, tiếp tục đóng góp, giúp đỡ thế hệ đàn em tiếp bước đến trường. 

Học bổng “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên 7 tỉnh biên giới phía Bắc và các trường ĐH, CĐ tại Hà Nội năm nay với tổng trị giá 1,250 tỷ đồng, mỗi suất gồm 5 triệu đồng cùng phần quà và chuyến tham quan, giao lưu, tuyên dương tại Đà Lạt. Tiêu chí lựa chọn của chương trình dựa trên thành tích đỗ ĐH, CĐ 2011, lòng hiếu thảo của các em đối với cha mẹ, hoàn cảnh gia đình khó khăn và khát vọng theo đuổi những bậc học cao hơn.

Năm nay, học bổng “Tiếp sức đến trường” báo Tuổi trẻ tổ chức sẽ trao 1400 suất với tổng trị giá khoảng 7 tỷ đồng. Học bổng được triển khai tại khắp các vùng miền của đất nước: 5 tỉnh Tây Nguyên, 7 tỉnh biên giới phía Bắc và các trường ĐH, CĐ tại Hà Nội, 6 tỉnh thành khu vực miền Trung, 13 tỉnh ĐBSCL và 7 tỉnh thành miền Đông Nam Bộ và các tỉnh thành khác trên cả nước.

Hiếu Nguyễn

 

Nguồn tin: Báo GD&TĐ

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây